Bí quyết dạy con không tham lam, ích kỷ đây là cách dạy tốt nhất
Bí quyết dạy con không tham lam, ích kỷ là một trong những đức tính các bậc phụ huynh nên rèn luyện cho trẻ ngay từ thời điểm vừa mới biết nhận thức.
Bởi tham lam là một tính xấu, muốn chiếm hữu thái quá mọi thứ cả về vật chất lẫn tinh thần cho riêng bản thân. Điều này chỉ khiến đầu óc trẻ sẽ không được thoải mái phát triển mà đa phần chứa chỗ cho sự đố kỵ, tìm cách đoạt tất cả mọi thứ mong muốn về mình mà không quan tâm đến người xung quanh. Chính vì thế, các bậc phụ huynh hãy cố gắng uốn nắn con thành người tốt, biết sẻ chia với mọi người xung quanh theo những bí quyết dưới đây.
Dạy trẻ biết chia sẻ
Ngay từ nhỏ, phụ huynh hãy thường xuyên dạy cho trẻ những bài học thực tế về sự sẻ chia với những người xung quanh. Lúc đầu những lời nói của bố mẹ có lẽ trẻ không hiểu nhưng kèm theo đó là những hành động thực tế bé tiếp thu rất nhanh. Ví dụ: mẹ cầm ra một chiếc bánh bông lan mẹ hãy cắt cho bố ¾ chiếc bánh và mẹ còn một phần, rồi bố lấy một phần rồi chia lại cho bé 2/4 cái bánh đồng thời yêu cầu bé chia sẽ cho anh hoặc em của bé một phần. Hoặc khi chơi cùng bạn, mẹ cũng hãy yêu cầu bé cho bạn cùng chơi chung đồ chơi, nếu bé không chịu thì có thể đề nghị 2 bé cùng trao đổi đồ chơi để cùng chơi với nhau từ đó trẻ học được bài học có cho đi thì mới nhận lại.
Mẹ hãy luôn nói cho trẻ biết rằng, con phải biết chia sẻ những thứ mình có hoặc dư thừa với những người cần chúng và sau này khi thiếu con cũng sẽ được người khác chia sẻ lại. Liên tục được có cơ hội luyện tập bài học chia sẻ trong cuộc sống thường ngày, dần dần trong tâm hồn bé sẽ không hình thành thói tham lam.
Không đáp ứng những đòi hỏi của trẻ
Những đứa trẻ tham lam luôn thích đòi hỏi bố mẹ những bất cứ thứ gì chúng muốn. Nếu bố mẹ thuận lòng đáp ứng vì thương con hoặc không muốn con thiếu thốn thì hoàn toàn sai lầm. Cứ như thế, một khi không đạt được thứ gì trẻ muốn chúng sẽ nảy sinh thói mè nheo, tìm đủ mọi cách bất kể hành vi sai trái để đạt được. Tính tham lam của bé cũng được hình thành từ đó và không tìm được giới hạn đủ cho bản thân. Chính vì thế, phụ huynh không nên chiều con thái quá và chỉ nên đáp ứng những thứ đúng đắn và cần thiết để bé biết được giới hạn của mình ngay từ còn nhỏ. Bố mẹ chỉ nên thưởng cho trẻ những thứ thật sự cần thiết mỗi khi bé đạt thành tích cao trong học tập, hoặc hoàn thành tốt một việc nào đó, đồng thời khích lệ trẻ phát huy tốt hơn ở lần sau.
Cho trẻ tham gia các hoạt động từ thiện
Bố mẹ hãy dành những thời gian rảnh để đưa con đến các buổi từ thiện để chúng được tham gia phát quà, chia sẻ những bất hạnh với những người nghèo, khiết tật, neo đơn,… Ở đây trẻ sẽ nhận thấy được sự may mắn của bạn thân và sẵn sàng đem hết tấm lòng và những gì mình có để chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh. Chính vì thế, tham gia các hoạt động từ thiện cũng là phương pháp hiệu quả để phòng ngừa và khắc phục tính tham lam ở trẻ.
Bố mẹ làm gương
Thật ra, tham ra không phải là tích cách bản năng mà được hình thành từ quan sát thực tế hằng ngày của trẻ. Ai cũng biết rằng, trẻ nhỏ thích bắt chước và làm theo hành động của những người xung quanh, đặc biệt là bố mẹ. Chính vì thế, bố mẹ hãy thực hiện những hành động đúng đắn, không sống ích kỷ, tham lam và luôn sống chan hòa, biết quan tâm chia sẻ với những người xung quanh. Đây cũng chính là môi trường tốt để giúp con hình thành tính cách đạo đức tốt, không ích kỷ, tham lam.
Truyện kể Sư tham ăn (dạy bé không tham lam và ích ky)
Ngày xưa, ở vương quốc Thái Lan, có một ngôi chùa rất lớn và đẹp, trụ trì ngôi chùa này là một ông sư còn trẻ nhưng lại nổi tiếng tham lam và ích kỷ.
Không biết ai đã đưa ông vào ngôi chùa này mặc dù đức hạnh ông ta không hề có. Trong sân chùa này có một cây táo rất sai quả, quả nào quả nấy to bằng nửa nắm tay người lớn và trái rất ngọt. Đến mùa quả chín nhà sư chỉ cho phép một mình được hái táo vì ông ta chỉ nghĩ đến bản thân mình mà thôi. Ngay cả những sư khác trong chùa cũng không được đụng tới.
Trong vùng có hai người nông dân nghe tiếng ông sư này tham lam liền tìm cách lừa ông ta một vố để dạy cho ông một bài học. Một trong số hai người liền tìm đến chùa ra mắt vị sư tham lam nọ và hỏi xin ít táo. Nhà sư nói:
– Không được, những táo này chỉ dành cho ta thôi. Không ai được hái đâu.
Người nông dân nài nỉ mãi nhưng nhà sư nhất quyết không cho. Cuối cùng, anh nông dân nói:
– Ông chưa hiểu ý tôi. Tôi sang mời ông chiều nay đến nhà tôi để ăn thịt hươu. Tôi xin ít quả táo để nướng chung với thịt hươu.
– Thế sao anh không nói ngay từ đầu? – Nhà sư thốt lên, mắt nhìn xung quanh xem có ai thấy không rồi tiếp – Anh cứ hái đi, cần bao nhiêu cứ hái. Trông vẻ mặt nhà sư lúc này rạng rỡ hẳn lên, không còn cau có như lúc đầu nữa.
Thấy đã trúng kế, anh nông dân mỉm cười đắc ý. Thế rồi nhà sư dẫn anh nông dân ra chỗ cây táo và cùng anh ta hái một túi đầy. Vừa hái táo nhà sư vừa hỏi về bữa thịt hươu sắp tới với vẻ mặt của một người sắp được đánh chén. Còn anh nông dân thì luôn miệng ca ngợi món thịt hươu nướng của mình.
Sau khi hái đầy bao táo, người nông dân cáo từ và hẹn chiều gặp lại.
Anh ta về được một lúc thì có một người nông dân khác vào xin táo và cũng bị nhà sư từ chối như anh nông dân lúc nãy. Nhà sư nghĩ: “Ta dại gì cho hắn, cho tên kia thì còn được mời đến ăn thịt hươu chứ cho tên này thì ta mất không, chẳng được lợi lộc gì?”. Nghĩ vậy nhà sư lắc đầu nguầy nguậy nhất định không cho.
Biết tẩy của anh ta, anh nông dân nói:
– Tôi đến mời ông đi ăn thịt gà, nhân tiện xin ông ít quả táo hầm với gà cho ngon. Bữa tiệc này chỉ có tôi và ông thôi, chớ ngại.
Nghe xong nhà sư mừng lắm, định bụng hôm nay sẽ được chén một bữa no nê thịt hươu và thịt gà. Nhưng ông đâu có biết sa vào bẫy của hai người kia. Thấy nhà sư im lặng, người kia nói:
– Ông thấy thế nào? Hay ông không thích ăn thịt gà của tôi?
Nhà sư vội vã đáp:
– Không phải, không phải, tôi rất vui lòng nhận lời mời của anh bạn. À mà nhà ông bạn ở đâu?
Anh nông dân đáp:
– Chỉ ở cuối xóm này thôi.
Tuy miệng hỏi vui vẻ như vậy nhưng trong đầu của nhà sư đã hình dung một con gà béo tròn đặt lên đĩa còn đang bốc khói nghi ngút. Và tất nhiên anh đựơc nhà sư mời ra sân và cho hái quả thoải mái trên cây táo đã nổi tiếng là “bất khả xâm phạm” của mình. Sau khi đã hái đầy một bịch táo, anh nông dân chào nhà sư ra về dưới con mắt ngạc nhiên của các chú tiểu trong chùa. Từ đó trước tới nay họ chưa bao giờ thấy nhà sư của mình cho ai nhiều táo như vậy.
Chiều đến hai anh nông dân cùng đến ngôi chùa nọ để mời nhà sư đi ăn tiệc. Họ gặp nhà sư và như đã bàn tính trước, một trong hai anh nông dân nói:
– Bây giờ sư ông đến nhà tôi trước, nhà tôi ở gần ngay đây thôi.
Người thứ hai phản đối:
– Không được! Đến nhà tôi trước vì cả nhà đang đợi.
Không ai nhường ai họ cãi nhau ỏm tỏi khiến nhà sư phải lên tiếng:
– Thôi thôi, được rồi, tôi sẽ đi với cả hai vị.
Hai người nông dân nháy mắt với nhau, họ đưa nhà sư đi lòng vòng khắp nơi, được một lúc mỏi chân quá, nhà sư nói:
– Đã đến chưa mà sao đi mãi vậy?
Hai người nông dân đồng thanh đáp:
– Sắp tới rồi, ông ráng lên, chỉ còn một đoạn nữa thôi.
Hai anh nông dân đáp trấn an nhà sư. Mãi đến lúc này nhà sư nọ vẫn chưa biết mình bị hai người đàn ông kia lừa.
Đến chiều nọ họ đã tới làng, đi một đỗi nữa đến ngã ba, một trong hai người nắm tay kéo nhà sư vào con đường phía bên trái và nói:
– Đã đến nhà tôi rồi, xin ông hãy qua nhà tôi trước, đánh chén xong hãy qua nhà ông kia.
Người kia đâu có chịu bèn chạy lại nói:
– Đâu có được, chính tôi mời ông qua nhà tôi trước.
Thế là họ cãi nhau. Còn nhà sư không biết phải đi theo ai trước nên chỉ biết phải im lặng.
Cãi nhau chán mỗi người bèn tóm một tay của nhà sư mà kéo về phía mình. Vừa kéo họ vừa chửi bới nhau cho đến lúc nhà sư không chịu nổi nữa phải thốt lên:
– Hãy để tôi yên! Tôi chẳng đến nhà ai cả, buông tôi ra!
Đến lúc này hai người mới buông tha nhà sư ra. Bây giờ ông ta đã quá mệt, vừa chẳng ăn đựơc gì, lại vừa phải nghe tiếng chửi rủa suốt buổi của hai người nông dân.
Nhà sư chẳng nói chẳng rằng, bỏ đi một mạch về với vẻ mặt mệt mỏi xen lẫn thất vọng vì hụt bữa ăn ngon, và ông ta cũng chưa biết rằng mình bị chơi một vố đau. Đợi cho nhà sư đi rồi, hai anh nông dân nhìn nhau cười đắc ý. Về phần nhà sư, ông không những mất một số táo đáng kể mà còn chẳng ăn được gì. Đúng là tham thì thâm!