Tử tù Thọ ‘sứt’: ‘Em chả nịnh ai đâu, nhưng phải công nhận các anh Cảnh sát Việt Nam giỏi thật!’
“Cho em nói lời này nhé, vào đây rồi em chả nịnh ai đâu, nhưng phải công nhận các anh Cảnh sát Việt Nam giỏi thật!”, Thọ “sứt” thú thực sau khi bị bắt.
Tử tù Thọ sứt: Các anh công an giỏi thật!
Báo Công an nhân dân đưa tin, ngay sau khi cơ quan Công an di lý đối tượng Lê Văn Thọ tức Thọ “sứt” về Hà Nội, PV báo đã được cơ quan điều tra cho phép tiếp xúc với gã tử tù trốn trại nguy hiểm này.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, Thọ “sứt” cho biết, sau khi vượt ngục, y và Nguyễn Văn Tình đã chia tay nhau, mỗi người trốn theo một đường. Bản thân hắn, ngay sau khi trốn được ra ngoài đã đi đòi tiền của một số người nợ, rồi thuê taxi đi trốn.
Trước câu hỏi về việc “có biết việc lực lượng Cảnh sát đang truy lùng mình không?”, tử tù Thọ “sứt” nói: “Em biết chứ, nhưng em không ngờ rằng bị các anh ý bắt lại nhanh đến thế. Cho em nói lời này nhé, vào đây rồi em chả nịnh ai đâu, nhưng phải công nhận các anh Cảnh sát Việt Nam giỏi thật!”.
Kẻ tử tù cũng cho biết, lý do trốn trại là vì không muốn bị tử hình, muốn được ra ngoài để sống. Tuy nhiên, khi bị bắt lại, hắn rất ân hận.
“Em xin lỗi vì đã làm liên lụy đến nhiều người quá, nhất là các cán bộ quản lý trại Tạm giam và những người liên quan đến việc chạy trốn của em”; “Em ân hận nhất vì từ trước đến nay không làm được gì cho bố mẹ. Bây giờ bố mẹ em nghe tin này chắc sẽ đột quỵ mất”, báo Công an nhân dân ghi lời Thọ.
Tử tù Thọ ‘sứt’ khi bị bắt.
Trước đó, trao đổi với PV báo Giao thông, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến – Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C45 – Bộ Công an) cho biết, Thọ “sứt” bị bắt vào khoảng gần 18h chiều 16/9 trên xe taxi.
Đại tá Bùi Ngọc Phi, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương cũng thông tin nhanh: Thọ “sứt” bị bắt trên lối đi vào chợ gần khu vực cầu Hàn, thuộc địa phận xã Nam Hồng, huyện Nam Sách, Hải Dương.
Được biết, khi xe chở tử tù Thọ “sứt” và bạn gái đi vào khu chợ, các chiến sỹ hình sự đã chặn đầu xe, đập vỡ kính, bất ngờ lôi Thọ “sứt” ra khỏi xe. Lúc này, đối tượng mặc áo trắng, quần sẫm màu, đi giầy tây khá bảnh bao. Ngay sau đó, Thọ sứt bị đè chặt xuống đường, bịt mắt, trùm đầu bằng túi vải màu nâu, còng tay đưa vào ô tô nghiệp vụ đã chờ sẵn.
Liên quan đến vụ việc này, ngày 15/9, sau khi có thông tin hai tử tù vượt ngục, Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh (Đoàn LS TP Hà Nội) đã có bài viết đăng tải trên Báo Giao thông. Trong đó, luật sư cho biết, việc quản lý người bị buộc tội, phạm nhân, đặc biệt những người bị kết án tử hình được thực hiện theo quy trình hết sức chặt chẽ, nghiêm ngặt. Bởi vậy, việc hai tử tù vừa trốn trại với những tình tiết như phá cùm, đào tường và đu dây thoát được ra bên ngoài không khác gì truyện trinh thám, nhiều bí ẩn.
Bữa ăn cuối “nghẹn cổ họng” trước giờ thi hành án của tử tù
Bữa ăn cuối cùng của Hiếu là món xôi gà, thế nhưng, tử tù này chỉ mở to đôi mắt nhìn mọi người trong trạng thái hốt hoảng…
Con đường phạm tội của các tử tù là khác nhau. Có người gây tội vì thù hận, vì lợi nhuận, bị đồng tiền che mờ nhận thức. Lại có người gây án chỉ vì những phút không thể kiềm chế bản thân…. Thế nhưng, với những người tù khi lĩnh án tử và trước giờ thi hành án, bữa cơm cuối cùng bao giờ cũng nghẹn đắng nơi cổ họng.
“Tôi không ăn nổi”
Bị thua bạc và trở thành con nợ, Văn Đình Hiếu (25 tuổi, xã Quảng An, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế) đã giết bà ngoại và làm ông ngoại bị thương để cướp của. Hiếu đã phải lĩnh án tử theo phán quyết của tòa án về tội Giết người, Cướp của.
Theo miêu tả của Báo Ninh Thuận, trước giờ thi hành án, bữa ăn cuối cùng của Hiếu là món xôi gà. Thế nhưng, tử tù này chỉ mở to đôi mắt nhìn mọi người trong trạng thái hốt hoảng và cúi nhìn bữa ăn một cách vô thần. Sau lời nói “ăn một chút đi” của cán bộ trại giam, Hiếu hít một hơi rất sâu, cố trấn tĩnh rồi đáp: “Tôi không ăn nổi. Cho tôi một ly cà phê đen”. Sau đó, tử tù này giơ đôi bàn tay bị còng bưng ly cà phê nhấp một ngụm. Khi được hỏi có nhắn gì về cho gia đình không, Hiều đáp trong hơi thở run rẩy: “Nhờ chuyển lời mong địa phương quê nhà giúp đỡ mẹ tôi, xin bố mẹ tha lỗi cho đứa con bất hiếu này”…
Lấy dấu vân tay của một tử tù trước khi hành hình. (Ảnh: An ninh thế giới)
Bát phở còn nguyên, tử tù không tài nào bật được lửa để hút thuốc
Trương Ngọc Điệp (SN 1981 trú tại đội 5, thôn Vĩnh Phệ, xã Chu Minh, huyện Ba Vì, Hà Nội) bị tuyên án tử hình về tội Giết người, Cướp tài sản.
Sáng 4/11/2005, Điệp phải thi hành án tại trường bắn Cầu Ngà (phía sau Trại tạm giam số 1 Công an Hà Nội).
Tờ Pháp luật & Xã hội viết, khi ký vào quyết định thi hành án tử hình của TAND TP Hà Nội, bàn tay Điệp run run đặt lên tờ giấy để viết tên mình lên đó… Khi được ra ngoài ăn bữa cuối cùng và viết thư về cho gia đình, bát phở bò để nguyên mà tử tù này không hề động đũa. Bàn tay Điệp lóng ngóng cầm bút để định viết những dòng trăng trối cho mọi người trong gia đình rồi người tử tù liên tục run lên từng chập, từng chập. Điệp lóng ngóng rút một điếu thuốc Vinataba nhưng rồi không tài nào bật lửa được. Một chiến sĩ cảnh sát đứng cạnh đó phải châm thuốc cho.
“Hai chiến sĩ bảo vệ dìu Điệp ra xe ô tô để tới trường bắn. Điệp rít nốt điếu thuốc rồi đứng dậy. Ngay lập tức, Điệp khuỵu xuống, hai chiến sĩ bảo vệ liền xốc nách hai bên đưa ra xe. Điệp bị cột chặt vào cọc tre bằng những sợi dây thừng chắc chắn, hai mắt bịt băng đen. Rồi đội xạ thủ gồm 6 người dàn hàng ngang phía trước, cách tử tù vài mét…”, tờ Cảnh sát toàn cầu thuật lại khoảnh khắc cuối cùng của tử tù Trương Ngọc Điệp.
Một bát phở – bữa ăn cuối của tử tù. Bên cạnh là bao thuốc Vinataba, cốc trà nóng (Ảnh: Cảnh sát toàn cầu)
Từ tù chỉ ăn được một miếng
Đó là trường hợp của tử tù Phạm Văn Hội (SN 1987, quê Ninh Bình, tạm trú H. Đắc Đoa, Gia Lai).
Hội đã giết bạn thân của mình để cướp của rồi lôi xác nạn nhân ra giữa lô cao su, sau đó chất lá đổ xăng thiêu xác để phi tang. Ngoài ra, tử tù này từng nhận 2 tiền án về tội trộm cắp tài sản và đánh người gây thương tích.
Trước giớ thi hành án, Hội lập cập đứng lên với sự áp giải của 2 chiến sĩ cảnh sát, khuôn mặt tái nhợt. Theo sự hướng dẫn của cán bộ quản giáo, Hội lê từng bước nặng nề ra ngoài đến căn phòng đã chuẩn bị sẵn một bữa ăn cuối cùng. Nhưng rồi, tử tù này cũng chỉ ngồi nhìn trân trân vào bức tường trước mặt, cán bộ quản giáo phải động viên mấy lần Hội mới run run cầm đôi đũa lên nhưng cũng chỉ ăn một miếng lấy lệ rồi tiếp tục ngồi nhìn vào khoảng không vô định. Theo thông tin trên báo Công an Đà Nẵng.
Tử tù Nguyễn Toàn (SN 1971, P. Thủy Châu, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế) cũng đã không ăn nổi bữa cơm cuối cùng. Sau khi nhận án tử bằng hình thức tiêm thuốc độc vào tháng 12/2013, tử tù Nguyễn Toàn đã được Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế lo mồ yên mả đẹp vì gia đình từ chối nhận xác. Vợ của tử tù phân trần lý do từ chối nhận xác chồng bởi hoàn cảnh khó khăn.
Sau khi công bố đơn xin ân xá bị bác, tử tù sẽ được ban giám trại chuẩn bị cho bữa ăn ân huệ. Cùng đó họ sẽ được tạo điều kiện viết thư, nhắn tin cho người thân (qua máy ghi âm)… Bữa cơm ân huệ có thể là xôi gà, phở, bánh bao nhưng bao giờ cũng có thêm ấm trà cùng bao thuốc lá. Đây là bữa cơm thịnh soạn nhất từ lúc tử tù bị bắt giam. Bữa cơm ngon nhưng trong quá trình bị biệt giam, không tử tù nào dám đòi hỏi hoặc mong đợi đón nhận.