Gia Đình Hiện Đại

Bà bầu

Xoa bụng, nằm ngửa, ăn chua,… và những thói quen khiến con DỊ TẬT mẹ bầu không biết

Hiện nay, tỷ lệ thai dị tật ngày càng tăng cao trên thế giới. Nguyên nhân không đâu xa, chính những thói quen hàng ngày dưới đây tưởng đơn giản lại có thể đẩy con cái vào nguy hiểm mà mẹ bầu phải đặc biệt lưu ý.

Mang thai là thời kỳ quan trọng nhất đối với sự hình thành của trẻ. Mọi thói quen từ ăn uống, sinh hoạt, làm việc, thậm chí cả môi trường xung quanh cũng ảnh hưởng đến thai nhi. Vì vậy, mẹ bầu cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để con cái phát triển khỏe mạnh và đặc biệt hạn chế các thói quen dưới đây để tránh không gặp các mối nguy hiểm như sảy thai, động thai, sinh non hay thai dị tật.

Mẹ nghiện thuốc lá, hoặc sống trong môi trường nhiều khói thuốc

Khói thuốc lá chứa khoảng từ 1/3 – 1/2 lượng Nicotin của thuốc lá đã hút. Ngoài ra, trong khói thuốc lá còn có carbon oxyt, khí carbonic, axit xyanhydric, axit axetic, propionic, valerianic, butyric, amoniac kèm theo methylamin và những amin khác, những bazơ pyridic và đặc biệt một lượng nhỏ coliđin, chất có mùi thơm nhưng rất độc và các chất gốc phenol. Vì vậy dù là hút thuốc lá trực tiếp hay hít phải khói thuốc lá đều vô cùng độc hại tới sức khoẻ của chị em.

Đặc biệt khói thuốc lá gây nhiều tác hại nguy hiểm tới trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Trong số hơn 4000 loại hóa chất có trong thuốc lá có ảnh hưởng tới em bé, có hai loại hợp chất đặc biệt có hại, đó là nicotine và carbon monoxide. Hai chất độc này chiếm tỷ lệ lớn gây biến chứng trong thai kỳ. Mẹ bầu nghiện hút thuốc lá hoặc thường xuyên ngửi khói thuốc lá khi mang thai không những làm tăng nguy cơ dị tật thai nhi mà còn làm trẻ tăng nguy cơ mắc bệnh phổi, tim, chức năng não của trẻ bị ảnh hưởng, kém thông minh và nhiều nguy hiểm khác.

Mẹ tự ý dùng thuốc khi mang thai

Sự biến đổi nội tiết tố trong cơ thể khi mang thai khiến mẹ bầu dễ bị bệnh, đặc biệt là các bệnh lý thông thường như ho, cảm cúm, tiêu chảy,… Lúc này nếu mẹ bầu tự tiện dùng thuốc có thể gây dị tật thai nhi. Thực tế, FDA (Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ) đã công bố một hệ thống phân loại thuốc mới dựa trên 3 đối tượng: Mẹ mang thai, cho con bú và mẹ mong con. Những trường hợp này khi mua thuốc đều phải xin ý kiến của bác sĩ để tránh gây hại cho con.

Bạn không thể chắc loại thuốc nào là an toàn và loại thuốc nào là nguy hiểm với thể trạng của bản thân khi mang thai. Vì vậy, các mẹ bầu tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc. Với một số bệnh lý phổ biến như cảm cúm, ho, mẹ bầu có thể tham khảo một số mẹo chữa bệnh dân gian.

Ngồi một chỗ quá lâu

Nếu công việc của bạn phải ngồi cả ngày, hãy đi lại nhiều nhất có thể để hít thở không khí trong lành và hoạt động cơ xương. Ngồi nhiều dễ khiến bà bầu phù nề dưới chân, gây ra bệnh trĩ làm chèn ép thai nhi trong bụng. Nếu phụ nữ mang thai làm việc trong môi trường y tế, cần phải được chăm sóc đặc biệt do việc tiếp xúc thường xuyên với các chất khử trùng.

Môi trường làm việc khép kín

Rất nhiều người nói, bà bầu ngồi lâu ở trước màn hình máy tính làm việc sẽ tăng thêm nguy cơ sẩy thai hoặc sinh non. Thực ra không phải như vậy, có kết quả nghiên cứu cho biết, người hay phải làm việc bên máy tính không có sự khác biệt rõ rệt nào trong việc sẩy thai, sinh sớm khi so sánh với những người khác.

Nhưng tại sao vẫn không nên ngồi trong văn phòng sử dụng máy tính quá lâu? Nguyên nhân là văn phòng làm việc thông thường là không gian khép kín, ánh sáng bên ngoài không đủ, không khí không lưu thông, sinh ra rất nhiều vi sinh vật gây bệnh, kết hợp với các tài liệu, giấy in dễ bay hơi độc hại…

Chính môi trường làm việc như thế này gây bất lợi cho thai nhi, làm cho thai nhi phát triển chậm hoặc không phát triển hoàn thiện một số chức năng, tương lại cũng có thể dẫn đến khó phát triển trí tuệ.

“Nấu cháo” điện thoại di động

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Y Yale (Mỹ), thói quen “nấu cháo” bằng điện thoại di động của mẹ bầu sẽ đem đến những tác động tiêu cực đến thai nhi.

Nguyên nhân là do bức xạ của điện thoại di động có ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của thai nhi và gây ra một số rối loạn về hành vi sau khi lớn lên như bị tăng động hoặc giảm chú ý.

Ngoài ra, ánh sáng phát ra từ điện thoại di động cũng ngăn chặn việc sản sinh ra hormone gây ngủ melatonin, nên sẽ làm rối loạn chu kì giấc ngủ, khiến thai phụ bị thiếu ngủ và căng thẳng.

Nằm ngửa

Một công trình của các nhà khoa học Úc kéo dài 5 năm cho thấy, những bà bầu có thói quen thường xuyên nằm ngửa khi ngủ sẽ có nguy cơ thai chết non tăng gấp 6 lần.

Khi nằm ngửa, khối lượng thai nhi chèn ép lên các vùng tĩnh mạch của người mẹ, gây cản trở cho sự lưu thông máu cũng như quá trình vận chuyển oxy và các dinh dưỡng từ cơ thể mẹ tới nhau thai.

Xoa bụng bầu

Trong thai kì, các mẹ thường xoa bụng như một cách để âu yếm con, tuy nhiên các bác sĩ sản khoa đã cảnh báo rằng: cọ xát mạnh vào bụng bầu sẽ làm tử cung co thắt, hậu quả là có thể gây sảy thai, làm xáo trộn thai nhi hoặc sinh non.

Đặc biệt, nếu xoa bụng bầu trong những tháng cuối thai kỳ, nguy cơ co thắt tử cung sẽ càng tăng lên.

Căng thẳng

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tâm trạng của người mẹ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển não bộ và tính cách của bé sau này.

Trong thai kì, nếu mẹ bầu thường xuyên bị căng thẳng, chán nản, u buồn, lo lắng… thì em bé sau này sinh ra chắc chắn sẽ không thể hay cười. Trong một vài trường hợp đặc biệt còn có thể khiến cả mẹ và con mắc chứng trầm cảm hoặc các bệnh về tim.

Mẹ không chú ý ăn uống khi mang thai

Sự giảm cường độ hoạt động ở phụ nữ mang thai khiến lượng calo dư thừa có xu hướng được hấp thụ nhiều hơn trong quá trình trao đổi chất. Mẹ bầu cần một chế độ dinh dưỡng đặc biệt, chú ý chăm sóc cơ thể trước và sau khi sinh. Không nên ăn quá nhiều đồ chua và thức ăn dễ biến chất vì khoa học đã chứng minh, ăn nhiều đồ chua sẽ khiến các hormone catecholamines trong cơ thể thủy phân nhanh, khiến thai phụ cảm thấy buồn bực, lo lắng, thậm chí khiến bé ra đời không bình thường, dễ hở hàm ếch, sứt môi…

Ngoài ra, phụ nữ mang thai không nên sử dụng các gia vị có tính nóng trong nấu nướng như thìa là, hạt tiêu, quế, ớt, ngũ vị hương… . bởi chúng sẽ khiến động thai, nước ối vỡ sớm và không tốt cho sinh nở. Thậm chí, bé sinh ra dễ dị dạng.

Tắm nước nóng

Đây dường như là điều mà rất ít mẹ bầu biết đến, trong khi đó việc tắm nướng nóng, xông hơi thường xuyên sẽ khiến nhiệt độ cơ thể tăng bất thường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển của thai nhi, thậm chí gây dị tật ống thần kinh.

Chính vì vậy, mẹ bầu cần biết đến nguyên nhân gây dị tật thai nhi này để hạn chế việc tắm nước nóng, nếu trời lạnh quá bạn có thể vận động nhẹ nhàng rồi sử dụng nước ấm vừa để tắm cũng rất tốt.

Làm cách nào để hạn chế dị tật ở thai nhi?

Cung cấp đầy đủ a-xít folic

Mỗi phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ cần bổ sung a-xít folic (cùng với Folate, là dạng hòa tang của vitamin B9) ít nhất 3 lần mỗi tháng trước khi mang thai. Thiếu a-xít folic là lý do gây một số dị tật bẩm sinh và khuyết tật ống thần kinh (phổ biến nhất là khuyết tật thoái hóa đốt sống bẩm sinh) ở thai nhi.

Các khuyết tật này có thể xuất hiện ở giai đoạn đầu thai kỳ, thậm chí xảy ra trước khi phụ nữ biết mình mang thai. Vì vậy, phụ nữ cần thường xuyên bổ sung Folate, đặc biệt trước khi thai nhi được 10 tuần.

Khám sức khỏe trước khi mang thai

Trong giai đoạn mang thai, mẹ hãy nên đi khám và siêu âm thai ít nhất 3 lần trong suốt thai kỳ. Lần đầu tiên khi tuổi thai từ 11-13 tuần, lần thứ 2 từ 18-22 tuần tuổi, lần thứ 3 từ 28-32 tuần tuổi. Vì trong 3 lần khám này có thể phát hiện sớm và hầu hết các dị tật bẩm sinh cả bên ngoài lẫn bên trong nội tạng của thai nhi.

Tránh tiếp xúc với hóa chất

Hóa chất được cho là nguyên nhân của các khuyết tật bẩm sinh. Vì vậy, để đảm bảo tương lai cho trẻ em của bạn, nên tránh tiếp xúc với hóa chất, bao gồm các hóa chất mà bạn sử dụng hàng ngày như trang điểm vì các chất chì, thạch tín, thủy ngân trong mỹ phẩm hấp thụ qua da sẽ đi vào máu của thai nhi, khiến thai nhi phát triển không bình thường.

Không uống rượu, bia

Kiêng rượu bia hoàn toàn trong thai kỳ giúp ngăn ngừa hội chứng nhiễm rượu bào thai. Hội chứng này có thể ảnh hưởng đến trí tuệ và hành vi của bào thai, nếu nặng có thể gây sẩy thai. Hiện chưa có giới hạn nào về lượng rượu phụ nữ mang thai có thể uống được. Vì vậy, bà bầu tuyệt đối tránh rượu bia trong suốt thai kỳ.

Bích Phượng(Tổng hợp)/Tin Nhanh Online

PinIt

BÀI ĐẶC BIỆT