7 năm học nữ sinh không được tổng kết điểm chỉ vì… em bị nhiễm HIV
Em P.T.T (SN 2003, lớp 7E trường THCS ở Yên Thành, Nghệ An) mồ côi cả cha lẫn mẹ khi mới 3 tuổi.
Em bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Suốt 7 năm đi học, em được xếp vào dạng “học sinh hòa nhập”, lạ lùng là em chỉ được giáo viên đánh giá nhận xét mà không có học bạ, bảng điểm.
Em P.T.T tại lớp học. Ảnh: Tiền Phong.
Bố mẹ đều mất vì HIV
Anh P.V.D ( bố của em P.T.T) có xưởng mộc nhỏ, sau khi cưới vợ anh D chịu khó làm ăn bằng nghề mộc và có 3 mặt con với cuộc sống yên bình nơi làng quê.
Năm 2002-2003, nghe mọi người đồn nhau đi buôn gỗ nhanh giàu, anh D cùng một số người trong làng bắt đầu tìm lên các cánh rừng Quỳ Hợp, Quế Phong… với mong muốn có cuộc sống khá giả hơn.
Những chuyến đi buôn tận nơi rừng thiêng nước độc, cũng là điểm nóng của ma túy thời bấy giờ. Anh D đã bị bạn bè lôi kéo, sa vào nghiện ngập… bị nhiễm HIV mà không hề hay biết, lây nhiễm sang vợ.
Năm 2003 em P.T.T được sinh ra đã mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Đến năm 2005 anh D tử vong vì HIV và năm 2006 chị N.T.L cũng ra đi khi em T mới 3 tuổi.
Mất cả bố lẫn mẹ, 4 chị em P.T.T được ông bà nội đưa về nuôi. Ông nội đưa cả 4 đứa cháu mồ côi đi xét nghiệm thì em P.T.T dương tính với HIV.
Tuy mang trong mình căn bệnh HIV suốt thời gian qua T vẫn phát triển tâm sinh lý bình thường. Nhưng vì một lý do nào đó, em đã bị đối xử như một học sinh dị tật, được xếp vào dạng học sinh hòa nhập.
Vì HIV, 7 năm học không được tổng kết điểm?
Bước vào tuổi đi học, em P.T.T được đến trường nhưng bị bạn bè xa lánh, nhà trường cũng không quan tâm em như học sinh bình thường khác.
Bà Nguyễn Thị Thanh, bà nội của T ngậm ngùi: “Có lần đi học về cháu khóc ròng, không chịu đi học nữa. Hỏi ra mới biết, khi thi học kỳ cháu không được vào thi như các bạn trong lớp”.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Hiệu trưởng trường THCS Phúc Thành cho biết: “Trong quá trình tuyển sinh từ cấp 1 chúng tôi nhận được hồ sơ của em T chỉ là sổ đánh giá nhận xét, giấy khám sức khỏe chứ không có học bạ hay bảng điểm. Để tạo điều kiện cho em, chúng tôi chỉ còn cách xếp em vào dạng học sinh hòa nhập”.
Trong giấy khám sức khỏe do trạm trưởng trạm y tế Phúc Thành ký có kết luận, “em T sức khỏe không bình thường, trí tuệ chậm phát triển”, ông Sơn cho biết thêm.
Tuy nhiên khi chúng tôi tiếp xúc với em T, em vẫn đối đáp bình thường, nhanh nhẹn, thông minh không có biểu hiện thiểu năng trí tuệ.
Bác Hải (xã Phúc Thành, Yên Thành, Nghệ An) bán hàng trước cổng trường cho biết: “Tôi có biết cháu T, tôi bán hàng ở đây 10 năm rồi, từ khi nó còn học mẫu giáo. Vẫn thấy cháu đi học đều, mỗi khi vào mua hàng cháu cũng rất nhanh nhẹn, thậm chí thông minh hơn đứa khác”.
Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Công Trọng, nguyên Hiệu trưởng trường tiểu học Phúc Thành 1 cho biết: “Khi em vào học lớp 1, chúng tôi vẫn cho em nhập học như học sinh bình thường, nhưng sau quá trình bệnh tật em nhiều, không đáp ứng được chương trình chúng tôi đã thỏa thuận với gia đình cho em vào dạng học sinh hòa nhập và có giấy khám sức khỏe của trạm y tế”.
Khi được hỏi vì sao chỉ dựa vào giấy khám sức khỏe của trạm y tế xã để đưa em T. vào dạng học sinh khuyết tật, ông Trọng cho biết: “Tôi nhận trách nhiệm này, do chưa hiểu hết được qui định pháp luật, cũng như qui trình để xét học sinh khuyết tật vào thời điểm đó nên gây ra hậu quả như vậy”.
Phẫn nộ hình ảnh hành hạ trẻ HIV trong bữa ăn
Nơi tiếp nhận nuôi dưỡng trẻ em nhiễm HIV/AIDS của Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân (Q.Thủ Đức, TP.HCM), có nhiều trẻ bị bảo mẫu đánh bằng tay, bằng dép… ngay trong bữa ăn.
Sau hơn một tháng theo dõi, báo chí đã ghi nhận sự việc này.
Khoa măng non của trung tâm có hơn 20 trẻ nhiễm HIV độ tuổi 3/6 và một số trẻ chậm phát triển ở tuổi lớn hơn. Khoa này có hai bé gái bị mù khoảng 8 tuổi có thể trạng khá yếu là bé C.T. và M.. Trong đó bé C.T. có thể bò trên nền nhà, còn M. không tự di chuyển được. Hai bé này thường được các bảo mẫu cho ngồi yên trên ghế để ăn.
Tát, đánh
Sáng 25/2, bảo mẫu tên C. một tay giữ đầu bé trai tên T., tay còn lại đút thức ăn. Do T. không chịu nuốt thức ăn, bà C. tát vào mặt bé rồi giơ tay dọa đánh tiếp.
T. khóc, liền bị bà tát thêm hai cái. T. khóc thét và la lên “không… không” với vẻ mặt sợ hãi. Sau đó, bà C. dùng tay đánh một bé trai khác rồi quay sang cho C.T. và M. ăn. C.T. chưa kịp nuốt muỗng cháo thì bị bà C. dùng tay đập một cái vô đầu rồi quay qua chỉ vào mặt một bé trai khác bắt bé trai này đứng ăn, không cho ngồi chung bàn với những bé khác.
Cùng thời điểm trên, bảo mẫu tên Q. cho bé gái tên T. (khoảng 3 tuổi) ăn khi bé đang ngồi dưới đất.
Bé T. khóc không chịu ăn thì bà Q. quát lớn, dùng tay đánh vào đầu. Bé T. nằm lăn trên nền gạch tiếp tục khóc thì bà Q. giơ tay dọa đánh. Bà Q. lấy dép giơ lên dọa đánh hai lần sau đó vụt vào chân bé này bốn cái khiến bé khóc ré lên. T. định chạy thì bà túm áo giữ lại rồi dùng hai tay siết tay, hai chân kẹp T..
Bé gái vùng vẫy, bà Q. ghì chặt lại rồi tát vào mặt. Bà nắm hai tay giật nhiều lần sau đó buông tay ra khiến bé ngã lăn xuống nền gạch.
Trước đó sáng 23-1, bảo mẫu tên L. lần lượt đút cháo cho C.T. và M.. Trong lúc đút cháo cho C.T., bà L. kêu một bé trai lại gần và nhéo tai khiến bé kêu ré lên. Bà L. định đút cháo cho C.T. thì buông muỗng tát vô má của bé M. đang ngồi bên cạnh. Khi bị nhồi muỗng cháo đầy vào miệng, bé C.T. nuốt không hết liền bị bà đánh vô trán. Bà liên tục đút cháo cho bé M., mỗi muỗng cháo bà này thường nhồi liên tục 3-5 lần vào miệng bé M..
Sau khi cho ăn, bà L. cho hai bé gái này uống nước bằng cách dùng tay ấn đầu ngửa ra đằng sau rồi đổ nước vào miệng.
Sáng hôm sau (24/1), khi bảo mẫu tên Q. đang cho một bé gái ăn thì bé T. làm đổ ghế nhựa. Bà này liền đứng dậy đi tới đá hai cái vào người. Cuối bữa ăn sáng cùng ngày, bà L. dùng chân đạp bé C.T. từ khu vực cho ăn vào trong phòng.
Một vài hình ảnh bảo mẫu bạo hành trẻ nhiễm HIV trong bữa ăn – Ảnh trích từ clip của Ngọc Khải – Hải Hiếu
Ăn vì sợ
Sáng 3/2, một bé trai đang ngồi ăn mếu máo đứng dậy bị bà Đ. vả một cái vào mặt khiến bé này khóc thét. Tiếp đến, bà B. lấy ghế cho bé T. đứng lên rồi đánh một cái vào mông, T. tụt xuống ghế thì bà tiếp tục cho đứng lên ghế, lấy dép dưới chân lên dọa đánh.
Chiều 26/2, khi T. đang ngồi trên ghế thì bảo mẫu tên H. chạy tới lấy dép đánh liên tiếp vào chân rồi lắc chân ghế để dọa T..
Khoảng 10 phút sau, bà H. tiếp tục lắc ghế và lấy dép đánh T.. Ngoài T., bé trai khác cũng bị bà H. đánh vào đầu khi đang ăn, bà H. còn cầm tay T. để đánh vào người bé trai này.
Trong giờ ăn sáng 4-3, bà T.T. ngồi đút thức ăn cho các bé, liên tục lớn tiếng, tay chỉ trỏ, nhéo, đánh nhiều cái vô đầu các bé đang tự múc ăn.
Tiếp đến, bà T. đưa bé T. đứng lên ghế, bé này khó khăn lắm mới lấy thăng bằng thì bà này mau chóng chạy đến xách tay T. mang lên ghế… T. đứng trên ghế và khóc.
Sáng 5-3, bà T.T. giữ đầu cho bé T. ngẩng mặt lên, liên tục rót sữa vào miệng.
Tiếp đến, bà này chồm người vả một cái vào mặt một bé trai khác rồi tiếp tục vả ngược lại bằng mu bàn tay làm bé này khóc thét.
Khoảng một phút sau, khi đang đút sữa cho T., một bé trai khác không có biểu hiện gì phá phách, bà T. bước tới nắm tay kéo đứng dậy, xoay cổ tay nhéo tai.
Đứa trẻ vừa khóc vừa nhai thì bị bà tiếp tục nhéo tai. Những đứa trẻ xung quanh ngồi đưa mắt nhìn bạn, cúi mặt ăn bánh.
Một vài hình ảnh bảo mẫu bạo hành trẻ nhiễm HIV trong bữa ăn – Ảnh trích từ clip của Ngọc Khải – Hải Hiếu