Hai ca sĩ Mỹ – Hàn hát “Thương ca tiếq Việt” đầy cảm xúc giữa tranh cãi cải cách tiếng Việt
Trong lúc làn sóng tranh cãi về đề xuất cải cách tiếng Việt chưa lắng xuống, mới đây ca sĩ Kyo York và trò Ju Uyên Nhi cho ra mắt MV ca khúc Thương ca tiếng Việt thu hút hàng triệu lượt xem.
Kyo York là cái tên không còn xa lạ, chàng trai gốc Mỹ bén duyên với Việt Nam và trở thành ca sĩ với nhiều ca khúc được yêu mến. Từ khi phát hiện khả năng ca hát bằng tiếng Việt của mình, Kyo York dành rất nhiều thời gian học các ca khúc của Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Phú Quang, Tuấn Khanh, Trần Tiến, Trọng Đài, Nguyễn Cường, Phạm Duy…
Trong MV mới được đăng tải trên trang cá nhân của mình, Kyo York giới thiệu đến khán giả ca khúc Thương ca tiếng Việt do anh thể hiện cùng với quán quân Gương mặt thân quen nhí mùa đầu tiên Ju Uyên Nhi.
Hai thầy trò, một đến từ Mỹ, một đến từ Hàn Quốc nhưng đã làm rất tròn vai khi thể hiện một ca khúc tiếng Việt với tất cả sự nâng niu, trân trọng.
Trên trang cá nhân của mình, Kyo York viết: Thầy và trò chúng tôi là những “người ngoại quốc” (Mỹ – Hàn) cố gắng tập hát không chỉ tròn vành rõ chữ mà còn phải “tròn cảm xúc” với tiếng
Việt thể hiện tình yêu của mình dành cho tiếng Việt và âm nhạc Việt.
Thầy trò Kyo York và Ju Uyên Nhi trong trang phục áo dài truyền thống Việt Nam có thêu cây tre, đậm chất dân gian, gần gũi với con người Việt. MV không quá cầu kỳ, không quá công phu nhưng trong đó hàm chứa tất cả tình cảm yêu mến mà những người ngoại quốc dành cho tiếng Việt.
Bình luận về MV đặc biệt này, bạn đọc Pham Hoai An cho rằng, nghe người nước ngoài người ta hát về tiếng Việt mà giống như tâm tình của họ về chính đất nước họ. Bạn đọc Lãn Nhật không giấu nổi xúc động: “Hôm nay nghe thầy trò ca sĩ ngoại hát “Thương ca tiếng Việt” cảm động đến ứa nước mắt… Chưa bao giờ tôi yêu tiếng Việt như lúc này… Giọng hát của 2 thầy trò lạ mà tình cảm thật sự, truyền tải hết ý tứ, ngôn từ chất Việt vốn không phải tiếng mẹ đẻ của các bạn nhưng tràn đầy cảm xúc”.
“Tuy họ không phải người Việt chính thống nhưng khi họ hát, họ dành cả tình cảm trong lòng dành cho từng lời ca, bài hát nói về tiếng Việt thiêng liêng” – bạn Nhan Diệu Huyền bình luận.
Gửi lời cảm ơn đến bài hát, bạn đọc Vũ Hữu Lộc viết: “Cảm ơn anh Kyo York và bé Ju Uyên Nhi đã dành tình cảm cho tiếng Việt. Cảm thấy thật vui và tự hào vì tiếng Việt còn được người nước ngoài công nhận vì sự trong sáng của nó”.
Lee Hanh bình luận: “Cám ơn anh. 1 người ngoại quốc đã dành cho tiếng Việt 1 tình yêu như thế. Đối với người Việt, tiếng Việt không chỉ là ngôn ngữ viết mà là niềm tự hào dân tộc”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc lên tiếng về đổi ‘Giáo dục’ thành ‘Záo Zụk’
“Ngôn ngữ và chữ viết không chỉ là một vấn đề khoa học thuần túy mà còn phụ thuộc rất nhiều vào thói quen sử dụng của xã hội. Việc thay đổi chữ viết là vấn đề rất lớn và sẽ đòi hỏi tính hệ thống rất cao khi thực hiện”, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc lên tiếng trước ý kiến cải tiến Tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền.
Trước đó, ý tưởng cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt của PGS.TS. Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên phó Viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy – học phổ thông) đang được dư luận chú ý đặc biệt và gây ra những phản ứng trái chiều.
“Tôi cũng được biết tới đề xuất này qua báo giới. Thật ra, ở góc độ khoa học, đề xuất này là hoàn toàn bình thường” – nhà sử học Dương Trung Quốc nói – “Thậm chí, xét về mục đích, nó có thể mang lại những yếu tố tích cực nhất định trong việc hoàn thiện các quy tắc ngữ âm tiếng Việt.”.
“Tuy nhiên, ngôn ngữ và chữ viết không chỉ là một vấn đề khoa học thuần túy mà còn phụ thuộc rất nhiều vào thói quen sử dụng của xã hội. Việc thay đổi chữ viết là vấn đề rất lớn và sẽ đòi hỏi tính hệ thống rất cao khi thực hiện” – ông nói thêm.
Do vậy, thẳng thắn, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền là không khả thi: “Nếu được áp dụng, việc này sẽ gây đảo lộn rất lớn trong xã hội”.
Ví dụ về chữ cái được cải cách theo đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền
Theo lời Đại biểu Quốc hội này, trong quá khứ, vấn đề cải cách, thay đổi kí tự khi viết cũng đã bước đầu được thử nghiệm một số lần nhưng đều không thành công.
“Tôi có thể ví dụ về trường hợp Hồ Chủ tịch, với tác phẩm Đường kách mệnh. Thật ra, ở thời điểm ấy, các quy tắc viết Tiếng Việt còn đang ở giai đoạn hoàn thiện. Là người sống nhiều năm ở Phương Tây, Bác Hồ sử dụng kí tự “k” (kách) theo hệ thống phiên âm quốc tế. Tuy nhiên, thực tế là sau này cách viết như vậy cũng không được sử dụng tiếp.”
Cho rằng việc cải tiến chữ viết là chưa cần thiết, tuy nhiên ông Dương Trung Quốc cũng tỏ ra không tán thành với việc dư luận đang “ném đá” PGS.TS Bùi Hiển.
Theo ông Dương Trung Quốc, việc dư luận “ném đá” PGS.TS Bùi Hiền là không nên
“Đây chỉ là một ý tưởng. Và trong khoa học, những ý tưởng, đề xuất mới luôn rất cần thiết” – ông nói. “Vậy nhưng, từ một ý tưởng, dư luận lại thổi phồng câu chuyện lên quá mức, thậm chí là có những phản ứng hơi thái quá.”